Ta thường nói đùa với nhau: “Yêu thì khổ, không yêu thì lỗ. Thà chịu khổ còn hơn chịu lỗ”.
Nói đùa mà thật. Dù được cảnh báo “yêu là khổ” như một nguyên tắc bất
di bất dịch, nhưng hầu hết ai cũng chấp nhận khổ để có được cảm giác
yêu, vì như thi sĩ Xuân Diệu đã từng lên tiếng dùm ta: “Làm sao sống được mà không yêu. Không nhớ không thương một kẻ nào”.
Sống mà không yêu thương thì sự sống đâu còn ý nghĩa gì nữa. Đó là sự
chết rồi. Và nếu sợ khổ mà không dám yêu thì ta có chắc là mình sẽ sống
hạnh phúc hơn không? Đời sống còn nhiều thứ khác có thể làm cho ta khổ
chứ đâu chỉ có tình yêu. Chung quanh ta có biết bao người có thể “chịu
khổ” để yêu thì tại sao ta phải sợ? Tình yêu có đáng sợ như ta nghĩ
không?
Vì cảm xúc yêu đương mãnh liệt như thế nên nó rất dễ lấn át lý trí và lấn át cả những liên hệ tình cảm khác. Chẳng trách sao ai yêu rồi ít nhiều cũng trở nên mù quáng, thấy đối tượng mình yêu rất khác với mọi người, thấy đó là một màu hồng tuyệt hảo. Vì thế ta muốn tháo tung “ranh giới cái tôi” của mình ra để mời người ấy bước vào, và dĩ nhiên, ta cũng muốn người ấy nhường chỗ cho ta một nửa trong trái tim họ. Thậm chí có khi ta muốn dâng tặng cả cuộc đời mình cho họ, nên ta đã mạnh dạn tuyên bố “yêu hết mình”. Mà thực chất là ta không kiềm chế nổi cảm xúc của mình, chứ không phải vì ta muốn phụng sự cuộc đời họ. Bởi khi màu hồng ấy trong mắt ta bắt đầu nhạt phai, thì ta cũng vội vàng tìm cách rút lui.
Yêu không đúng cách
Thi sĩ Xuân Diệu phát hiện ra những lý do thường khiến tình yêu rạn vỡ: “Người ta khổ vì thương không phải cách. Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người”. Ta phải biết rằng mọi hiện tượng trên thế gian này đều phải nương tựa vào nhau để tồn tại. Tình yêu cũng không ngoại lệ. Sẽ không có cái gì gọi là tình yêu nếu nó tách biệt với những yếu tố khác như sự bình an, vững chãi, bao dung, cởi mở… Thậm chí nếu không có gia đình, bạn bè, xã hội, kinh tế, chính trị, đạo đức và cả thiên nhiên thì tình yêu cũng không có chỗ đứng nào để tồn tại. Cho nên biết quay về chăm sóc những yếu tố tưởng chừng “đứng ngoài tình yêu” ấy cũng chính là chăm sóc tình yêu. Vậy mà khi yêu, ta thường chỉ để ý tới sự ham thích nhau, suốt ngày cứ quấn chặt vào nhau không dám rời nửa bước. Đến khi một bên không thể đáp ứng sự thỏa mãn thì sự nhàm chán và phản bội nhau là điều tất yếu xảy ra, và chắc chắn bên ở lại sẽ ngã quỵ ngay lập tức vì không còn gì để sống. Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã từng than thở: “Người đi một nửa hồn tôi chết. Một nửa hồn kia bỗng dại khờ”. Thật ra ta chẳng bao giờ trao nửa linh hồn cho ai đâu, chỉ vì một nửa (hay cả) đời sống của ta hoàn toàn phụ thuộc vào cảm xúc của đối phương, nên khi họ đi rồi ta không còn chỗ bám. Cơn nghiện đang hành hạ ta đó thôi.
Song, lắm lúc ta cũng rất thực dụng, đến với tình yêu theo kiểu tranh hơn tranh thua như trong chiến trường kinh tế vậy. Hễ đòi hỏi được là đòi hỏi. Ta coi người ấy như sự bảo an vững chắc cho cuộc đời mình. Thành ra cụm từ “đi tìm bến trong” bây giờ có nghĩa là tìm một nơi có thể bảo đảm cho mình một cuộc sống sung túc, không thua sút bạn bè. Quan điểm này cũng bị ảnh hưởng từ tâm thức xã hội. Nhìn kỹ, ta sẽ thấy những đòi hỏi kia chỉ mang tới những cảm xúc rất tạm bợ qua sự tán thưởng của những người sống bằng hình thức, nhưng nó lại là thứ “mộng tưởng điên đảo” làm phương hại đến tình yêu. Ta tin chắc rằng nếu có tất cả những thứ đó thì đời sống lứa đôi sẽ hạnh phúc hơn, trong khi sự ham thích của ta không dừng còn năng lực người ấy bị ta vắt đến cạn kiệt. Hai tâm hồn vì vậy ngày càng xa nhau. Người ấy vì đam mê mà vẫn cố gắng chiều chuộng ta thì chính họ cũng đang sống trong mộng tưởng. Cả hai đều không cắm rễ vào nền tảng của tình yêu chân thật thì đừng hỏi tại sao chỉ vì bất đồng quan điểm nhau, lỡ gây tổn thương nhau, thậm chí không tiếp tục làm thỏa mãn nhau là ta dễ dàng bỏ nhau.
Cũng có lần thi sĩ Xuân Diệu tự thú nhận: “Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá. Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì”. Tình yêu cũng như một loại cây xanh, nếu ta không biết cách chăm sóc dưỡng nuôi, hoặc thừa hoặc thiếu, thì nó sẽ héo tàn và lụn bại. Cảm xúc thỏa mãn ai mà không thích, nhưng sự thỏa mãn ấy phải đi liền với trách nhiệm thì ta mới có thể giữ gìn mãi được. Mà nếu “ranh giới cái tôi” được tháo tung để nhường chỗ cho người ấy thật sự thì trách nhiệm dìu dắt nhau đi về hướng thảnh thơi và hạnh phúc chân thật không phải là gánh nặng hay miễn cưỡng nữa. Vấn đề là ta có khả năng nới rộng trái tim của mình ra không? Nếu ta còn quá coi trọng vật chất, vướng kẹt danh vọng, đam mê hình thức hấp dẫn mà lại muốn có một tình yêu bền vững thì đó chỉ là tham vọng. Ta phải tự lượng sức. Ta còn quá yêu bản thân mình thì làm sao ta có thể yêu thêm người khác, dù có yêu người khác cũng chỉ để phục vụ cho bản thân mình mà thôi. Còn lỡ như người ấy xem tất cả những phương tiện kia là lý do chính để tình yêu có mặt thì ta biết rằng đó chẳng phải là một nửa ta đi tìm. Song, nếu ta đủ giỏi và bản lĩnh thì ta vẫn đủ sức dẫn dắt mọi đối tượng đi về hướng ta cho là đúng đắn mà không sợ “Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người”. Cho nên tình yêu muôn đời là có thật, bí quyết là ta phải luôn tỉnh táo để nhận ra mình và hiểu được người mình thương.
Xin nâng đỡ đời nhau
Bằng con tim hiểu biết
Lo sợ gì thương đau.