Trong những khóa đào tạo về kỹ năng giao tiếp, học viên hay hỏi tôi:
“Theo thầy, làm thế nào để kiềm chế không tức giận? Làm sao để không
giận?”. Tôi thường trả lời: “tôi không khuyên các bạn là không bao giờ
nổi giận, bởi chúng ta đều là những con người bình thường, sống trong
các mối quan hệ xã hội phức tạp và có những cảm xúc thật của cuộc sống,
chứ không phải gỗ đá hay thần thánh mà không biết giận. Chỉ có điều,
chúng ta cần học cách hiểu và làm chủ cơn giận của mình mà thôi.”
Hiểu Về Trái Tim – Tức Giận
Khi tức giận, chúng ta đề cho rằng có ai đó, hay việc gì đó, điều gì đó làm cho ta giận. Ta tìm cách tiêu diệt những thứ mà chúng ta gọi là tác nhân gây ra cơn giận ấy như có những lời nói hay hành động trả đũa, đập phá hay la hét v.v…Than ôi, càng làm thế thì năng lượng xấu trong ta càng dâng cao và ta hầu như không mảy may làm thay đổi được tác nhân ấy chút nào, nhiều khi còn làm cho chúng trở nên trầm trọng hơn. Bởi khi “nóng giận mất khôn” ta thường nhìn mọi thứ dưới lăng kính méo mó, sai lệch và không kiềm chế, kiểm soát được lời nói và hành vi của chính bản thân mình. Về thực chất, cơn giận không phải do bên ngoài mang lại, mà từ trong chính thân tâm của mỗi chúng ta. Cùng một sự việc xảy ra, có người rất bình thản đón nhận, có người lại nổi giận đùng đùng. Ví dụ như cũng ở trong đám kẹt xe, có người chủi rủa và tìm cách chen lấn, có người bực bội khó chịu, nhưng cũng có người mỉm cười tìm chỗ nào lánh đi cho hết kẹt xe rồi đi tiếp, hay bình tĩnh chờ cho hết kẹt. Thế thì, bản thân người khác hay sự việc hiện tượng không phải là những tác nhân gây ra cơn giận, mà chính cách thức chúng ta nhìn nhận và hành xử, tùy theo tính cách, tư chất và tình trạng tâm sinh lý của mỗi người mà cơn tức giận sẽ được châm ngòi và bùng nổ hay không.
Vì vậy, để có thể kiểm soát được các cơn giận, trước hết ta cần học cách kiểm soát bản thân. Đừng bao giờ nuôi dưỡng những mầm mống cho các cơn giận trong tâm mình. Hãy thôi ghen tỵ, thôi so sánh, thôi đòi hỏi thì sẽ thấy những gì mà mình cho là không như ý, không làm mình thỏa mãn ấy, suy cho cùng cũng chỉ là vì “việc nó phải thế” và không thể khác được. Thay vì nổi giận với nó, ta hãy tập trung năng lượng làm việc gì để thay thế hay chuyển hóa mọi việc theo hướng tích cực hơn. Nếu như ai đó có lời nói hay hành vi làm ta có thể tức giận, thay vì trả đũa hay trút giận lên người đó, ta hãy tách mình ra khỏi người đó một chút, tự sống với chính bản thân mình để thấy rằng, người đó và ta là hai thực thể khác biệt, những gì họ nói và làm chỉ từ phía họ mà ra, ta và thân tâm ta hoàn toàn có thể không đụng chạm vào những điều ấy. Nói cách khác, ta có thể vận dụng qui luật 90-10. Theo qui luật này, thì bản thân sự vật hiện tượng chỉ là 10%, còn lại 90% là do ta đón nhận và hành xử với nó, Nên ta có thể biến 10% ấy thành 0%, hay cũng có thể làm cho nó thành 100% hay hơn nữa là do tâm thân ta quyết định. Chuyện to bỏ thành nhỏ, chuyện nhỏ bỏ thành không là vậy. Nếu ta cứ chấp nhất những chuyện không đâu, chỉ một điều cỏn con cũng là ta bực bội, thì ta sẽ luôn làm khổ mình vì những cơn tức giận hủy hoại sức khỏe thể chất và tinh thần của ta.
Đôi khi, nếu cần thiết ta có thể thể hiện sự không hài lòng của mình, thái độ bất ưng ý của mình một cách nhẹ nhàng, khéo léo nhưng cương quyết, để đối phương hiểu rằng họ đã làm điều sai trái và không nên, nhưng tuyệt nhiên ta đừng cho họ thấy rằng những gì họ làm tổn hại hay ảnh hưởng tới tinh thần ta, bởi nếu biết thế họ sẽ rất đắc ý vì ta đã trúng kế của họ. Có bạn nói: thế nếu người ta lừa thầy lấy tiền, ung dung sống phè phỡn trong khi thầy chật vật kiếm tiền thì thầy có tức giận không? Quả thật chuyện đó đã từng xảy ra khi tôi còn trẻ, và khi ấy tôi cũng đã vô cùng tức giận. Nhưng cơn giận không làm cho tôi lấy lại được số tiền đã mất, mà chỉ làm tôi mệt mỏi thêm. Rồi khi tôi không còn giận nữa, không còn nghĩ tới số tiền ấy nữa, chỉ coi như ai đó đã mang nợ mình và họ sẽ phải trả nghiệp chướng khác cho mình, thì tôi lại thấy vui vẻ và không phiền não, và rồi tôi lại kiếm được nhiều tiền hơn số tôi bị mất. Như vậy, nếu cứ mãi tức giận thì phỏng có ích gì?
Nhiều khi, ta chưa đủ cam đảm và nội lực để chuyến hóa cơn giận, thì ta nên tìm cách trút bỏ năng lượng xấu trong người mình đi. Ta có thể tìm tới một khoảng không và hét vang lên, hay tìm vào chỗ vắng và vò nát những thứ vô tri vô giác nào đó, để nguồn năng lượng xấu kia được thoát ra ngoài và thân tâm ta nhẹ nhõm cân bằng trở lại trước khi có thể tiếp tục mọi việc. Dân gian có câu: “ Giận cá chém thớt” không chỉ nói những ai giận người này mà trút cơn tức tối lên người khác, mà sâu xa nó ám chỉ việc chúng ta thay vì giận “con cá” là một thựcc thể sống và có thể hữu dụng cho ta vào một lúc nào đó, thì ta hãy chém “cái thớt” vô tri vô giác để cân bằng cảm xúc. Điều này thật khó mà thực hiện được nếu ta không có óc quan sát tốt và biết chỗ nào, vật nào là nơi chúng ta “trút giận” mà không làm tổn hại tới chính mình và những người xung quanh.
Hãy quay trở về với tình thương, bởi dân gian có câu ca “giận thì giận, mà thương thì thương”, tình thương sẽ giúp ta chuyển hóa và kiềm chế cơn giận rất hiệu quả. Khi ta không quá tôn sùng cái tôi của mình, biết thương cái tôi của mình trong tình thương những cái giúp cho cái tôi ấy tồn tại và phát triển, tức là ta đã biết từ tâm và độ lượng với chính mình và với người, thì mới bớt đi những cơn giận khiến ta tổn hại trí não và thân xác.
Theo: vinhtrainer.com